Thực hiện Kế hoạch năm học 2024-2025 và Kế hoạch phối hợp thực hiện công tác y tế trường học năm học 2024-2025 của trường Tiểu học Noong Bua với Trạm y tế phường Noong Bua, trong các ngày 19, 21, 22 tháng 11 năm 2024, Trường Tiểu học Noong Bua đã phối kết hợp với Trạm y tế phường Noong Bua tổ chức tiêm phòng uốn ván, bạch hầu cho học sinh 7 tuổi và thăm khám sức khoẻ định kỳ cho học sinh toàn trường.
Theo lịch tiêm chủng mở rộng, trẻ em dưới 1 tuổi đã được tiêm 3 mũi cơ bản vắc xin bạch hầu - ho gà - uốn ván - viêm gan B - Hib (vắc xin 5 trong 1). Mặc dù hiệu quả bảo vệ của vắc-xin cao lên đến 97%, nhưng kháng thể trong cơ thể sẽ giảm dần theo thời gian. Đến 7 tuổi, sự miễn dịch đối với bạch hầu, uốn ván của cơ thể đã suy giảm khá nhiều từ lần được tiêm ngừa trước đó, do vậy nếu không tiêm nhắc lại vẫn có khả năng mắc bệnh. Ngoài ra, độ tuổi này học sinh thường xuyên hoạt động trong môi trường học đường đông đúc, gặp gỡ nhiều người, chạy nhảy, vận động cũng nhiều hơn... vì vậy nguy cơ mắc các bệnh bạch hầu, uốn ván từ đó cũng cao hơn nên rất cần được tiêm nhắc lại. Trước khi tổ chức tiêm vắc xin Td nhắc lại, nhà trường đã thực hiện tốt công tác truyền thông cho cán bộ, giáo viên, cha mẹ học sinh về lợi ích của việc tiêm vắc-xin, đối tượng tiêm, loại vắc-xin, tính an toàn của vắc-xin, thời gian, địa điểm triển khai tiêm… và chuẩn bị chu đáo các điều kiện về cơ sở vật chất cũng như đảm bảo các quy trình trước tiêm để trạm y tế thực hiện nhiệm vụ.
Trong lần thăm khám sức khỏe định kỳ lần này, các em học sinh được khám lần lượt từ chiều cao, cân nặng, đến đo thị giác, tai - mũi - họng và răng - hàm - mặt, ngoài ra Trạm y tế còn khám ngoại khoa cho 669 em học sinh toàn trường. Đặc biệt một số em mắc bệnh đã được thông báo đến từng gia đình phụ huynh học sinh để gia đình sớm có biện pháp khắc phục và điều trị kịp thời.
Việc tổ chức thăm khám sức khoẻ định kỳ cho học sinh là một việc làm vô cùng quan trọng, luôn được nhà trường đặc biệt quan tâm, qua đó giúp phát hiện sớm các trường hợp bệnh trong học đường mà học sinh hay mắc phải như tình trạng béo phì, suy dinh dưỡng, tật khúc xạ, bệnh răng miệng, bệnh suy tim, thấp tim, các rối loạn về cơ, xương khớp, các bệnh về hô hấp, … và các bệnh khác mà gia đình chưa phát hiện được do bệnh không có triệu chứng biểu hiện rõ rệt. Thực hiện khám và quản lý sức khỏe cho học sinh giúp tăng cường bảo vệ, chăm sóc sức khỏe và có các giải pháp điều trị kịp thời, giúp giảm tỷ lệ mắc các bệnh về học đường, đảm bảo cho học sinh được phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần và trí tuệ. Đây là một trong những hoạt động trọng tâm trong công tác chăm sóc sức khỏe học sinh, nhằm phát triển thể chất toàn diện cho 100% học sinh trong toàn trường. Đồng thời, qua hoạt động này đã góp phần không nhỏ vào việc nâng cao nhận thức cho học sinh về ý thức phòng chống một số bệnh thường xuất hiện ở lứa tuổi học đường, đem lại sự phấn khởi, tin tưởng trong giáo viên, học sinh, các bậc phụ huynh về một môi trường giáo dục an toàn và thân thiện.
Sau đây là một số hình ảnh